Hồn gốm Nam Bộ khi xưa

Chân thật, mộc mạc như chính tính cách, con người của người dân tại đây, gốm sứ Nam Bộ nổi tiếng khắp cả nước về chất lượng cũng như về độ tinh xảo của nghệ nhân. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, gốm Nam Bộ nói chung đã có tiếng  nói của riêng mình với những làng gốm nổi tiếng như Đồng Nai, Lái Thiêu – Bình Dương.v.v mang đầy nét đặc trưng văn hóa của quê hương. Hôm nay, người viết xin giới thiệu với các bạn lịch sử một số lò gốm điển hình với những bản sắc riêng mà không phải ai cũng biết…
Xóm lò gốm Sài Gòn xưa
Vốn là dòng gốm bình dị và phổ biến, nên từ dân thường đến nhà giàu có đều mua và dùng các loại sản phẩm gốm Nam bộ, từ gốm gia dụng đến đồ thờ cúng trong đình chùa, gốm trang trí kiến trúc...
Trên bản đồ Phủ Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi địa danh "xóm Lò Gốm" - một trong những làng nghề nổi tiếng của Sài Gòn xưa, gồm các làng cổ Phú Giáo - gò Cây Mai, làng Phú Định - Phú Lâm, làng Hòa Lục... mà ngày nay thuộc các quận 6, 8 và 11. Khu vực này bây giờ vẫn còn kênh - rạch Lò Gốm và những địa danh liên quan đến nghề làm gốm như (đường) Lò Siêu, (đường) Xóm Đất, cầu Lò Chén...
Lu gốm thành phẩm

Tên Lò Gốm được ghi trong Gia Định thành thông chí (1820): "Từ năm 1772 con kênh Ruột Ngựa được đào để nối liền từ Sa Giang ra phía bắc đến Lò Gốm". Như vậy, khu lò gốm chắc chắn đã khởi lập trước năm này. Dấu tích xóm Lò Gốm còn lại là khu vực gò Cây Mai (quận 11) và di tích lò gốm cổ Hưng Lợi (phường 16, quận 8).
Khai quật lò Hưng Lợi cho biết sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng: lu chứa nước (nên còn có tên là Lò Lu), các loại hũ men nâu men vàng, nhiều kiểu chậu, vịm (một loại chậu nhỏ), chậu bông... kích thước khác nhau.
Khoảng từ giữa thế kỷ 19, khu lò này sản xuất những sản phẩm in tên "Hưng Lợi diêu" (Lò Hưng Lợi) gồm các loại đồ "bỏ bạch" (bên ngoài không tráng men) như nồi có nắp và tay cầm (nồi lẩu), siêu nấu nước... Bên trong nồi và siêu có tráng men nâu chống thấm. Chậu bông bằng sành hình tròn hoặc hình lục giác, men nhiều màu, trang trí ô hoa văn bát tiên, tùng lộc, mai điểu...
Từ đầu thế kỷ 20 sản xuất các loại bát, đĩa, ấm, ly uống trà, chai, muỗng, bình rượu, lư hương, thố có nắp... men trắng vẽ men lam. Ngoài ra còn sản xuất loại chai gốm men trắng giống như chai thủy tinh. Sản phẩm lò Hưng Lợi được nặn tay, in khuôn, kết hợp bàn xoay, hoa văn cũng được in khuôn, đắp nổi, chạm khắc, sau đó phủ hoặc tô men nhiều màu, thường là màu xanh đồng, xanh lam, nâu hay đỏ.
 Dấu tích khu lò gốm Cây Mai (nằm ở sau chùa Cây Mai) nay vẫn còn. Lò này làm các loại đồ gốm thông dụng kích cỡ lớn, sản phẩm trang trí mỹ thuật, tượng đất nung và đồ sành men màu. Các sản phẩm độc đáo và đặc trưng của gốm Cây Mai sản xuất vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 là gốm men nhiều màu như trắng, xanh lam, xanh lục, nâu, vàng... gồm nhiều kiểu tô, chén, đĩa, muỗng, bình, cốc, đôn, chậu kiểng, lư hương, bát nhang, tượng thờ; gốm trang trí kiến trúc như long (rồng), voi, ngựa và các quần thể tiểu tượng.
Con đường vào làng gốm



Trên nhiều đồ gốm Sài Gòn còn ghi năm sản xuất và tên điếm (tiệm), diêu (lò) như: tượng Giám Trai ở chùa Giác Viên (quận 11), góc dưới bên phải có ghi "Đề ngạn, Nam Hưng Xương, Điếm Tố", "Canh Thìn Trọng Đông Cát Đán Lập" (1880).
Ở miếu Thiên Hậu (Quảng Triệu hội quán - quận 1) trên quần thể tiếu tượng gốm ở phần sân miếu có những bảng gốm chữ nổi "Lương Mỹ Ngọc điếm tạo" (tiệm Lương Mỹ Ngọc tạo), "Quang Tự Thập Tam Niên" (1887) và "Thạch Loan Mỹ Ngọc tạo" (lò Mỹ Ngọc ở Thạch Loan tạo), "Quang Tự Đinh Hợi Tuế (1887). Cũng ngay trên quần thể tiếu tượng này còn có những bảng gốm khác ghi "Đề Ngạn Bửu Nguyên Diêu tạo" (lò Bửu Nguyên ở Đề Ngạn làm)...
Chữ Diêu còn gặp ở một số di tích khác như ở đình Minh Hương Gia Thạnh (quận 5), trên quần thể tiếu tượng bằng gốm có ghi "Mai Sơn, Đồng Hòa Diêu Tạo" (lò Đồng Hòa - Mai Sơn tạo)...
Hiện nay, sản phẩm gốm Cây Mai vẫn còn được lưu giữ trong dân gian, ở các đình miếu, hội quán Nam bộ với các sản phẩm dân dụng như: ơ, siêu, bát, bình, lu, hũ, thống có nắp, khạp có nắp, chậu tròn, chóe có quai, đôn tròn, đôn lục giác, lân, gạch trang trí hình vuông...
Những dòng men màu bình dị
Từ khoảng đầu thế kỷ 20, vùng Sài Gòn - Chợ Lớn đô thị hóa khá nhanh, khu vực xóm Lò Gốm mất dần ưu thế so với vùng gốm Biên Hòa, Lái Thiêu. Trường Mỹ nghệ Biên Hòa thành lập vào năm 1903 đã tập hợp được nhiều nghệ nhân làm gốm. Dần dần gốm Biên Hòa trở nên nổi tiếng.
Gốm Biên Hòa thiên về trang trí hoa văn dày đặc, bao quanh sản phẩm bằng phương pháp vẽ nét chìm hoặc lấy nét chìm kết hợp với trổ thủng để tạo hoa văn, sau đó tô men, không phân biệt giữa men và màu ve. Hoa văn trang trí hình rồng hay cúc hóa long, hoa mai... khá đặc sắc.
Sản phẩm gốm Biên Hòa đa dạng bao gồm bình bông, hũ, lọ, chóe, chậu, đôn, đôn voi, bộ bàn ghế tròn, đèn lồng, đĩa trang trí, tượng voi, tượng lân, tượng người... Loại chóe men đen hoặc men nâu hoa văn khắc chìm sản xuất ở Biên Hòa còn cung cấp cho nhiều khu vực ở Tây nguyên. Một loại sản phẩm gốm Biên Hòa vẫn được sản xuất nhiều là các loại lu đựng nước bằng đất nung không men. Cho đến nửa sau thế kỷ 20 gốm mỹ nghệ Biên Hòa vẫn được xuất khẩu đi Liên Xô và nhiều nước Đông Âu.
Gốm sứ Lái Thiêu ra đời khoảng giữa thế kỷ 19, có các trường phái (theo nguồn gốc của các chủ lò gốm) như trường phái Quảng Đông sử dụng men nhiều màu chuyên sản xuất các tượng trang trí, các loại chậu, các loại đôn voi; trường phái Triều Châu sử dụng men xanh trắng chuyên sản xuất đồ gốm gia dụng như chén, đĩa, tô và các loại bình trà, bình rượu; trường phái Phúc Kiến sử dụng men màu đen, men da lươn, chuyên sản xuất chóe, lu, vại, hũ, vịm.
Gốm Nam Bộ
Trong đó, gốm men nhiều màu Lái Thiêu được sản xuất hàng loạt, hiện còn lưu giữ khá nhiều trong dân gian, tại các bảo tàng cũng như trong các sưu tập tư nhân. Gốm men nhiều màu Lái Thiêu với nguồn nguyên liệu địa phương kết hợp với kỹ thuật truyền thống của người Hoa và cả người Việt đã tạo nên một dòng gốm men nhiều màu rất bình dị, dân dã mà cũng rất thanh thoát, độc đáo.
Hoa văn trang trí trên gốm Lái Thiêu có nhiều dạng khác nhau, thường theo xu hướng đồ án hóa, đường nét to, thô nhưng không vì thế mà kém trau chuốt, sinh động. Nội dung tranh vẽ lấy hoa lá làm thể chính, chiếm số lượng nhiều nhất là đồ án hoa mẫu đơn được bố cục chặt chẽ: mẫu đơn với chữ thọ, mẫu đơn kê (hoa mẫu đơn với gà trống), mẫu đơn điểu (hoa mẫu đơn với chim). Ngoài ra còn có các đồ án: tùng hạc, hoa lan, hồng điệp (hoa hồng với bươm bướm), lý ngư (cá chép), và vẽ sơn thủy phong cảnh hữu tình... Đặc biệt đồ án tranh "cát tường" với hình ảnh con gà trống trên tô, đĩa... đã trở thành thương hiệu của gốm men màu Lái Thiêu.
Thị trường của gốm Nam bộ là cả miền Đông và Tây Nam bộ, thậm chí cả một phần Tây nguyên và Campuchia. Trong nửa đầu thế kỷ 20, khi thương nghiệp Nam - Bắc phát triển mạnh thì gốm Nam bộ còn theo chân các thương nhân ra miền Bắc, miền Trung, có mặt trong nhiều nhà giàu có và một số đình chùa... Nếu không xuất phát từ đặc điểm lịch sử - xã hội và đặc trưng văn hóa Nam bộ để nghiên cứu, dễ quan niệm rằng gốm Nam bộ không có giá trị đặc biệt vì niên đại muộn và tính mỹ thuật không cao do quá... bình dân.
Lời kết

Một số nhà sản xuất và xuất khẩu tích cực tìm kiếm thị trường mới, đưa thương hiệu và sản phẩm của họ thành công rộng ra cho các khu vực, góp phần ổn định tổng doanh thu xuất khẩu của cả nước từ gốm sứ. Hơn nữa, với chi phí xây dựng thương hiệu cao và phát triển trên thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đầu tư nhiều hơn để đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng nước ngoài. Do đó, nhiều khách hàng mới ở nước ngoài đang dần dần nhận ra những sản phẩm gốm sứ Việt Nam có đặc điểm độc đáo, và vô cùng hữu dụng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến