Hưng Định và câu chuyện làm gốm
Là một phường thuộc Dĩ An, Bình Dương. Hưng Định được biết đến
là một trong những làng nghề nổi tiếng song song với làng gốm Lái Thiêu và Tân
Phước Khánh tại tỉnh. Hưng thịnh phát triển trong cả một giai đoạn lịch sử
nhưng hiện nay việc làm gốm tại làng đang dần bị mai một đi vì nhiều lí do….
Khoảng thế kỉ 18, nơi đây bắt đầu có cư dân đến định cư và lập
nghiệp. Đến đầu thế kỉ 19, Hưng Định được nhà Nguyễn cho phép lập làng. Hưng Định
ngày nay bao gồm ba khu phố Hưng Lộc, Hưng Thọ và Hưng Phước, nơi đây nổi tiếng
với các lò gốm cổ mà tập trung nhiều nhất là ở Hưng Lộc. Hưng Lộc nổi tiếng với
lò gốm Chòm Sao (người dân ở đây gọi là lò chén Chòm Sao) do các thợ gốm Triều Châu dựng lên. Nơi đây
chuyên sản xuất các loại bát, đĩa men trắng tráng men và vẽ hoa văn rồng, phượng,
gà, hoa…Sau một thời gian, một số nhóm người khác cũng đến định cư trong đó có
nguời Hẹ, chính họ đã lập ra các lò gốm.
Hưng Định còn làm những mặt hàng gốm gia dụng |
Lý giải cái tên gốm Chòm Sao, bác Chín Hoàng (thợ gốm xưa của
lò gốm Hai Ca) cho biết: “Ngày xưa ở đây có cây sao cổ thụ to lắm, từ đời ông cố
bác đã có rồi, đến đời bác chỉ còn gốc cây chẻ ba mà cũng phải vài ba người ôm
mới hết, lò gốm lập ra trên vùng đất này đều lấy tên chung là gốm Chòm Sao, chỉ
phân biệt dựa vào tên hiệu của người chủ lò gốm".
Gốm Chòm Sao có hai lò gốm cổ nổi tiếng là lò của ông Hai Ca
và Ba Sành, chuyên sản xuất các loại chén, dĩa, tô, thạp và các mặt hàng mĩ nghệ hình các con vật như voi, ếch, lân, cá …cung
cấp cho các thương lái đưa đi các nơi buôn bán. Cho đến hôm nay thì hai lò gốm
nổi tiếng này đã không còn giữ được, lò gốm Hai Ca chỉ còn lại một đống phế
tích đổ nát, còn lò gốm Ba Sành đã bị phá bỏ để xây phòng trọ, nhà ở.
“Từ thời ông cố đã theo nghề gốm, hồi xưa, một người làm gốm
có thể nuôi được năm người, cất nhà…Gốm ngày xưa thịnh lắm, hàng làm ra không đủ
cho thương lái, có khi phải đặt trước mấy tháng trời. Chủ gốm chủ yếu là nguời
Hoa, họ trọng cái tình, ngày nào cũng nấu
hai nồi một cơm một cháo thật lớn để thợ gốm hay người nhà không nấu được đến lấy
về ăn, có khi ngày đó đau ốm không đi làm cũng đến lấy cháo được. Bây giờ làm gốm không nuôi đủ con cái đi học, đang
làm mà nghỉ có khi còn bị trừ lương, mất việc…” _ bác Chín Hoàng chia sẻ.
Tâm sự về nghề làm gốm, bác Tư Chuối, con trai ông Hai Ca,
chủ lò gốm cỏ Hai Ca xưa cho biết: “Nghề gốm như máu huyết của mình, một khi đã
ngồi vào bàn gốm là như quên hết. Bàn tay nặn gốm không chỉ đơn thuần là nắn đất
thành gốm mà như thổi vào nắm đất cái hồn, cái thần thái của người thợ làm ra
nó, chưa vừa ý là chưa rời bàn, vì thế sản phẩm làm ra không nhiều nhưng chất
lượng. Nhìn vào một sản phẩm là có thể đánh giá được đó là thợ giỏi lâu năm hay
thợ mới. Gốm hắn cũng kén người, có người học cả mấy năm trời mà cũng không làm
sao thổi hồn được cho sản phẩm của mình”.
Khi được hỏi vì sao đóng cửa lò gốm Hai Ca, bác Tư Chuối buồn buồn chia sẻ: “Cái nghề cơm gạo sao đành
lòng bỏ được, nhưng bất tòng tâm, lớn tuổi rồi mà con cái không ai theo nghề, người ta làm gốm bây giờ phải trang bị máy
móc hiện đại, mình không có vốn, không trụ lại với người ta, thêm vào đó người
ta không chuộng gốm cổ nữa rồi, chỉ dùng gốm mới với các hoa văn làm từ máy
tinh xảo, gốm trắng tinh, không có người mua, dù có cố làm thì sớm muộn cũng dẹp
vì đọng hàng, hết vốn…”
Hiện nay, gốm Hưng Định chỉ còn sót lại vài ba hộ còn theo
nghề, tự cứu mình bằng cách bỏ vốn trang bị máy móc hiện đại như lò gốm Tân Trường
Sinh, lò gốm Kiến Xuân, chuyển từ làm chén, dĩa… sang làm thạp, bình hoa, chậu,
lư hương, bóng ,các con vật trang trí như voi, ếch, lân…
Một số khác chuyển
sang làm chén mủ cao su như lò gốm Cuội của ông Lý Thành. Một số lò vẫn giữ lại
sản xuất một phần nhỏ các loại chén , dĩa cổ như lò Bình Lị, Ba Tây.
Ngày xưa, các thành phẩm sau khi được tráng men sẽ đem vào
lò nung, chất đốt chủ yếu là củi, bây giờ chuyển sang nung bằng ga, để chất lượng
sản phẩm được cao hơn, lớp men bóng hơn. Tuy nhiên, ở lò Cuội của ông Lý Thành
vẫn giữ được lò nung bằng củi có lịch sử trên 150 năm tuổi.
Tuy bị cuốn vào vòng xoay công nghiệp hóa nhưng các thợ làm
gốm ở Hưng Định vẫn luôn giữ được cái tâm của người theo nghề. Họ một lòng mong
muốn giữ lại cái nghề của cha ông. “Đến giờ dù nghỉ có gần hai chục năm nhưng mỗi
lần thấy cái bàn xoay, thấy đất là bàn tay lại không yên, muốn trở lại làm gốm
lắm, có chết tui cũng làm dù là làm thuê cho người ta cũng được nhưng không ai
thuê vì mình già rồi, tay run, chân đứng lâu không vững, quen làm thủ công giờ
chuyển sang máy không theo kịp tụi trẻ.” Bác Chín Hoàng, Tư Chuối rưng rưng tâm
sự.
Gốm Hưng Định không chỉ là một ngành nghề thủ
công truyền thống mà còn là một nét đẹp
văn hóa của người dân Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Để tiếp tục tồn
tại và phát triển cần sự quan tâm của các nhà chức trách và cơ quan có thẩm quyền.
Nhận xét
Đăng nhận xét