Làng gốm cổ truyền Hương Canh ( Phần 1)

Là một ngôi làng nổi tiếng trong nhiều làng nghề thủ công truyền thống của tỉnh Vĩnh Phúc, làng Hương Cảnh thuộc xã Tam Cảnh, huyện Bình Xuyên, nằm cạnh Quốc lộ 2, cách Hà Nội khoảng 1 giờ lái xe về phía Bắc rất nổi tiếng về nghệ thuật chế tác gốm với lịch sử một ngàn năm. Dân làng làm bình để giữ gạo, ngô và các loại cây ngũ cốc khác, sau đó sản xuất bình đựng nước, cũng như chậu đựng trà, dụng cụ nấu ăn và quan tài để mai táng. Những sản phẩm này có màu sắc độc đáo của màu xám xanh, nâu và vàng.
Ưu điểm của loại đất sét xanh nguyên chất thường có độ mịn và độ dẻo, độ béo rất cao, nên sản phẩm giống như đã được tráng men… Sản phẩm gốm được tạo ra từ loại đất này nên có chất lượng vượt trội, ngăn được sự thẩm thấu, ngăn ánh sáng…

Để tìm hiểu về loại đất đặc biệt này, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng ông Trần Văn Hải, một nghệ nhân đã có gần 50 năm gắn bó với nghề làm gốm ở Hương Canh. Nói về loại đất này, ông Hải cho biết: “Đất sét xanh có tỉ lệ độ co cao, từ 26-28%, với những loại đất sét khác thì độ co chỉ khoảng 11% nên không đạt yêu cầu. Do độ co, độ keo lớn, đất chứa nhiều “thịt” nên chất lượng gốm rất tốt”.
Theo ông Hải, điểm tạo nên sự đặc biệt của gốm Hương Canh không chỉ ở chất lượng gốm mà còn ở màu sắc, âm thanh. Do cấu tạo của chất đất xanh, nên gốm sành Hương Canh khi nung già gõ thường phát ra tiếng kêu lanh canh, giống như khi ta chạm vào kim loại.

Bàn tay nghệ nhân tạo hình
Bên cạnh đó nó còn giữ được nét hoang sơ của nguyên liệu đất sét, vừa gân guốc, vừa khỏe khoắn, tạo nên nét rất riêng biệt hấp dẫn so với các làng quê làm gốm khác. Đặc biệt, các sản phẩm gốm, sành Hương Canh thời xưa thường không sử dụng men tráng, không dùng chất tạo màu mà sản phẩm vẫn bắt mắt. Điểm nhấn vẫn là mầu đỏ và nâu, còn sành thì có màu xanh đen.

Không chỉ vậy, làng gốm Hương Canh còn mang những đặc trưng, đó chính là tinh hoa văn hóa làng nghề truyền thống của dân tộc. Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh đã từng đi rất nhiều nơi thuộc khu vực miền Bắc để nghiên cứu, nhưng cuối cùng cũng chỉ lựa chọn làng gốm Hương Canh, bởi đó chính là nguồn cảm hứng sáng tạo.
Anh Thái Nhật Minh chia sẻ: “Tôi là người làm việc khá nhiều với các chất liệu gốm khác nhau ở khu vực miền Bắc này, nhưng cuối cùng tôi cũng chỉ quay về với mảnh đất Hương Canh. Làng gốm Hương Canh thật sự đã để lại ấn tượng để tôi lựa chọn, bởi tôi tin vào làng nghề, tin vào những kinh nghiệm của những nghệ nhân”.
Theo nhà điêu khắc Thái Nhật Minh, chất sành ở Hương Canh có màu xanh đen thu hút, nhất là khi nung thì màu sắc mới được lộ ra, tạo nên sự bất ngờ, thú vị đối với người sáng tác. Đối với các sản phẩm gốm ở Hương Canh, lớp vỏ thường sần sùi có phần “thô” nhưng đó lại là điểm nhấn. Tại mảnh đất này, các nghệ nhân đã tạo ra rất nhiều tác phẩm, thiết kế tối giản, loại bỏ những chi tiết thừa nhưng vẫn giữ được cái hồn của gốm, sành mang thương hiệu Hương Canh.
Từ chất liệu đất xanh mà đã tạo nên những sản phẩm hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của mảnh đất Hương Canh. Tuy nhiên chính những ưu điểm này lại mang đến khó khăn đối với người làm gốm, sành. Gốm, sành đất Hương Canh được cho là “không ăn lửa” như các loại đất khác vì nó chứa nhiều chất béo, tạo nên độ trơ. Thế nên các nghệ nhân phải thực sự cẩn thận trong quá trình nung nấu, đảm bảo cả lò chín đều, mà không ảnh hưởng đến chất lượng và màu sắc của sản phẩm.
Nung là công đoạn cuối để tạo nên những sản phẩm gốm sành sau này, bởi lò đốt chỉ có một cửa nên người thợ phải luôn chú ý, quan sát nhiệt độ, thời gian để có thể cho ra những mẻ gốm tốt nhất. Khâu nung đòi hỏi người thợ phải nắm vững kỹ thuật xếp lò, "điều" lửa. Có rất nhiều thợ cao tay nhưng nếu không khéo thì cũng làm hỏng cả mẻ gốm.

Còn tiếp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến